Mặc Kệ Nó

Từ kẻ cắp đến người phản bội như là chuỗi liên kết tất yếu, vì ai bất trung trong việc nhỏ thời sẽ bất trung trong việc lớn. Tin Mừng tường thuật ông Giuđa được giao trách vụ giữ tiền và ông đã bớt xén tiền người ta dâng tặng tập thể (x.Ga 12,6). Việc Giuđa quyết định nộp Thầy cho các Thượng Tế có nhiều nguyên do mà trong đó có lỗi lầm bớt xén, ăn cắp của chung. (Ăn bớt của chung: bất trung trong việc nhỏ; Nộp Thầy: Bất trung trong việc lớn). Có thể Chúa Giêsu không biết nhưng chắc chắn các bạn đồng môn biết rõ sự việc này. Thế thì tại sao các vị ấy lại để sự thể kéo dài để rồi dẫn đưa Giuđa đến chỗ phản bội Thầy cách đáng trách ?

Của chung, của tập thể thôi mà, đâu phải là của gì riêng mình. Nếu đụng đến quyền lợi riêng của mình thì mình sẽ lên tiếng. Thôi mặc kệ nó, phê bình góp ý làm gì cho mất lòng nhau. Bản thân mình cũng có nhiều khiếm khuyết, lỗi lầm khác, mình có hơn gì nó đâu.

Chủ trương “mặc kệ nó” là một hình thức của sự ích kỷ và đó là tội “dửng dưng” mà nhiều vị Giáo Hoàng đã đề cập và Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã cảnh báo chúng ta.

Họ tham nhũng ư ? Họ làm nhiều điều bất công ư ? Mặc kệ, miễn là không đụng đến tôi. Vị ấy độc quyền, độc đoán, hành xử kiểu cha chú ư ? Thôi mặc, góp ý làm gì cho mất lòng nhau. Vị ấy làm sự chẳng nên ư ? Thôi kệ, vì mình đâu có hơn gì ai, vẫn còn nhiều lỗi lầm khác đó mà... Nhiều lối biện minh xem ra khá hữu lý và có khi hợp tình nhưng ẩn đằng sau luôn là sự vị kỷ và dần dà biến thành sự dửng dưng khiến cho sự ác hình thành khi thời buỗi đến.

Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng.

Lão Ngu Ni